Lịch sử hoạt động Revenge (lớp thiết giáp hạm)

Hình vẽ 3 chiều chiếc HMS Revenge như nó hiện hữu vào năm 1916, với một chiếc máy bay Sopwith 1½ Strutter trước mũi và một chiếc Sopwith Pup sau đuôi.

Chỉ có hai chiếc trong lớp, Revenge và Royal Oak, sẵn sàng vào lúc xảy ra trận Jutland vào ngày 31 tháng 5 năm 1916. Trong trận chiến này, không có chiếc nào bị hư hại hay thương vong.

Không giống như lớp Queen Elizabeth, lớp Revenge không được tái cấu trúc đáng kể giữa hai cuộc thế chiến. Trong thực tế, ngoại trừ một số nâng cấp nhỏ, chúng hầu như không thay đổi cho đến khi Chiến tranh Thế giới thứ hai bắt đầu. Một phần đó là do chi phí cần để nâng cấp chúng một cách thỏa đáng; số tiền mà Hải quân Hoàng gia nhận được cho mục đích này được chi tiêu tốt hơn cho lớp Queen Elizabeth, vốn nhờ tốc độ cao hơn và sự thích ứng tốt hơn, giữ được giá trị chiến đấu tốt hơn. Hơn nữa, lớp Revenge đã được dù trù để được thay thế bởi lớp tàu chiến chủ lực mới Lion sẽ đi vào hoạt động. Tuy nhiên, việc Thế Chiến II nổ ra đã khiến lớp Lion bị hủy bỏ, để lại lớp Revenge trong phục vụ bất chấp những giá trị giới hạn của chúng trong một thời đại mà kỹ thuật hải quân tiến rất xa.

Mọi chiếc trong lớp đều được đưa về các vai trò thứ yếu trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, khi một số trở thành tàu hỗ trợ hỏa lực, tham gia cuộc đổ bộ Normandy, và ngay cả việc săn đuổi chiếc thiết giáp hạm Bismarck của Đức. Sự kết thúc của lớp Revenge cùng các lớp thiết giáp hạm khác sau chiến tranh chứng tỏ sự ra đời của tàu sân bay như là những kẻ thống trị mới của biển cả; cho dù cần phải nói rằng thế hệ dreadnought đã góp phần rộng lớn trong việc viết nên lịch sử của Hải quân Hoàng gia Anh. Winston Churchill từng viết về chúng như là nỗi lo lắng không dứt, ông đã chứng kiến Bộ Hải quân Anh cố giữ khoảng cách càng nhiều ngàn dặm giữa chúng và đối phương càng tốt. Tuy nhiên, chúng vẫn có giá trị như những thiết giáp hạm hạng hai, đảm nhiệm hộ tống và các vai trò thông thường khác nhằm giải phóng các tàu chiến hàng đầu.